Trong những năm qua hoạt động thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông được triển khai thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, chứng thực, bán đấu giá tài sản, nuôi con nuôi, hộ tịch, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính …. Qua đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những vi phạm.
Bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 54/2014/NĐ-CP ngày 29/5/2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp, hàng năm, Sở Tư pháp đã chú trọng ban hành và triển khai có hiệu quả các kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp. Hoạt động thanh tra được tiến hành theo đúng kế hoạch, đạt nhiều kết quả tích cực. Nội dung thanh tra bao quát toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở Tư pháp.
Trong năm 2019 và năm 2020, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện 10 đoàn thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực như: hộ tịch, chứng thực, công chứng, luật sư. Sau thanh tra đã ban hành 10 kết luận thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tốt các quy định pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở Tư pháp.
Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân có vi phạm như: báo cáo không đúng thời hạn về tình hình tổ chức hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền; không lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu về tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật; việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên còn gián đoạn về thời gian; các tổ chức còn sai sót trong việc thực hiện hợp đồng công chứng…
Qua thanh tra, nhằm kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh và có các hình thức xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm hành chính. Sở Tư pháp đã ban hành 07 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 42 triệu đồng và tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên có thời hạn đối với 02 công chứng viên.
Công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện chặt chẽ góp phần đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở, Ngành, nhất là với sự phát triển của các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tư pháp đặc biệt là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, thì kết quả công tác thanh tra của Sở còn khiêm tốn; việc kiểm tra sau thanh tra chưa được chú trọng nhiều.
Do đó, để nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành trong những năm tiếp theo, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ sau:
(1) Thanh tra Sở cần nắm chắc tình hình, yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở đăng ký nội dung, thời gian, đối tượng thanh tra, kiểm tra để xây dựng kế hoạch thanh tra theo định hướng chung là hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Sở.
(2) Gắn việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch với công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Trong đó thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, lưu ý các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, khiếu nại tố cáo; chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành trong công tác bổ trợ tư pháp, hộ tịch, chứng thực.
(3) Tăng cường công tác kiểm tra sau thanh tra. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật.
(4) Đổi mới phong cách, phương pháp chỉ đạo, điều hành; Tập trung xây dựng đội ngũ công chức thanh tra có năng lực chuyên môn, có trách nhiệm và phẩm chất đạo đức, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành./.
Thùy Trang
Bản in