Tin tức (12.10.2020 08:34)

Kết quả nổi bật trong công tác cải cách thể chế tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011- 2020


Để đạt được hiệu quả trong việc xây dựng và hoàn thiện các chế định pháp luật cùng với việc cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ cho mọi tổ chức, cá nhân thì cải cách thể chế đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình tổng thể cải cách hành chính. Trong giai đoạn 2011-2020, công tác cải cách thể chế tỉnh Đắk Nông đã đạt được một số kết quả nổi bật:

 Trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật(viết tắt VBQPPL), việc tuân thủ quy trình xây dựng VBQPPL, đặc biệt là trong công tác thẩm định, Sở Tư pháp luôn có những phương pháp đổi mới, nhằm nâng cao chất lượng của công tác xây dựng VBQPPL tại địa phương. Đảm bảo 100% thủ tục hành chính quy định trong các văn bản được đánh giá tác động, cho ý kiến và thẩm định trước khi ban hành. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2019, Sở Tư pháp đã tiến hành thẩm định đối với hơn 600 dự thảo VBQPPL cấp tỉnh; tham gia góp ý với hơn 1.000 văn bản trung ương và địa phương.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, Ban, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị, xây dựng các dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh chủ trì xây dựng, trình HĐND tỉnh trong các kỳ họp HĐND tỉnh, góp phần nâng cao trách nhiệm, sự chủ động của các cơ quan liên quan cũng như chất lượng soạn thảo trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương; bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý hàng trăm đề nghị xây dựng Quyết định của UBND tỉnh.

 Hàng tháng, Sở Tư pháp đã đôn đốc, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành triển khai thực hiện việc cập nhật văn bản của Trung ương liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị nhằm thể chế hóa kịp thời các quy định của Trung ương tại địa phương. Cụ thể, trong 3 năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp cập nhật hàng nghìn văn bản mới của Trung ương trên tất cả các lĩnh vực: đầu tư, tài chính, đất đai, …

Nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, thi hành pháp luật trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 13/4/2018 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 -2022”. Trên cơ sở đó, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tham mưu UBND cấp mình triển khai thực hiện tốt công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương về các lĩnh vực quan trọng như: thuế, phí, lệ phí; hộ tịch, chứng thực; đất đai…

Công tác kiểm tra; rà soát, hệ thống hóa VBQPPL đã có những tiến bộ vượt bậc. Sở Tư pháp tiến hành tự kiểm tra tất cả các Quyết định do UBND tỉnh ban hành (các văn bản này được tự kiểm tra ngay sau khi UBND tỉnh ban hành và được Sở Tư pháp cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về VBQPPL). Kết quả, 100% VBQPPL đều được ban hành đúng trình tự, thủ tục theo quy định, có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp; chỉ tồn tại một số sai sót, chủ yếu là về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. 100% VBQPPL của cấp huyện ban hành, gửi về Sở Tư pháp đều được kiểm tra theo đúng quy định. Đồng thời, Sở Tư pháp cũng tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời, đầy đủ đối với các văn bản có nội dung không phù hợp theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hàng năm Sở cũng thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra công tác xây dựng, ban hành văn bản tại các huyện, thành phố, đảm bảo các sai sót trong công tác xây dựng ban hành văn bản được phát hiện, xử lý kịp thời.

Sở cũng đã chủ động thực hiện rà soát các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành đang còn hiệu lực liên quan đến các lĩnh vực: chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; đất đai và quản lý bảo vệ rừng; rà soát văn bản liên quan đến chính sách xã hội; rà soát bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp …

Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 997/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của HĐND, UBND tỉnh kỳ 2014-2018, trong đó công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh còn hiệu lực; hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần; cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới và Tập hệ thống hóa VBQPPL còn hiệu lực nhằm phục vụ đắc lực cho các công tác xây dựng thể chế và áp dụng thi hành tại địa phương.

 Bên cạnh những kết quả kể trên, lĩnh vực này còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc từ lâu chưa được tháo gỡ. Nguyên nhân là do một số Sở, Ban, ngành chưa chủ động trong công tác cập nhật văn bản của Trung ương, công tác tự kiểm tra, rà soát văn bản tại cơ quan, đơn vị mình, do đó dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản liên quan đến lĩnh vực, ngành mình quản lý; còn tình trạng “chờ hướng dẫn”; không phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong quá trình xây dựng VBQPPL; sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương nhiều lúc còn chưa kịp thời, chưa đạt yêu cầu, chưa phát huy hết trách nhiệm; còn biểu hiện “khoán trắng” cho đơn vị soạn thảo; Năng lực, trình độ của công chức được giao xây dựng VBQPPL của một số đơn vị còn hạn chế dẫn đến chất lượng, tiến độ không bảo đảm; Các Sở, Ban, ngành chưa chú trọng công tác pháp chế, đội ngũ công chức pháp chế chủ yếu là kiêm nhiệm, phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác…

Để đạt được kết quả tốt hơn trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, hệ thống văn bản QPPL của địa phương cần phải được xây dựng một cách đồng bộ; đáp ứng yêu cầu các Nghị quyết, Kết luận của Đảng; Tổ chức xây dựng thể chế đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tổ chức thực hiện đồng bộ và có hệ thống; Hình thành tổ chức bộ máy triển khai công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thực thi pháp luật của các cơ quan tư pháp; Các Sở, ban, ngành cần quan tâm và chú trọng trong việc bố trí cán bộ có năng lực, chuyên môn cao để tham mưu về công tác xây dựng thể chế tại đơn vị mình; Đồng thời cần chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác cải cách thể chế để việc thực hiện được thống nhất và mang lại hiệu quả cao.

Nguyễn Hà


Bản in


SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
5
2
2
6
9
6

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
3
Liên kết Website