Thời gian gần đây, thói quen tiêu dùng đã từ từ thay đổi khi các hoạt động mua sắm, tiêu dùng không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến hơn, điều này cũng phù hợp với xu hướng chung của kinh tế toàn cầu. Để phù hợp với tình hình, các doanh nghiệp đã nhanh chóng tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà, cải thiện chất lượng dịch vụ và nắm bắt cơ hội để thương mại điện tử ngày càng phát triển. Các lớp học trang bị kiến thức, kỹ năng về kinh doanh onlien, thương mại điện tử đã thu hút một số lượng lớn các doanh nghiệp, doanh nhân và các cá nhân tham gia. Trong đó, trọng tâm là việc ứng dụng công nghệ số, ứng dụng mua bán trực tuyến, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách nhanh chóng, chính xác nhất.
Ứng dụng công nghệ số và giao dịch điện tử đang là giải pháp tối ưu nhất, không chỉ của các doanh nghiệp lớn, mà đã được các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ buôn bán áp dụng để ứng phó với bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay. Hầu hết các giao dịch mua bán sản phẩm, thanh toán hóa đơn, đặt hàng sản phẩm, quảng cáo, giao hàng trên nền tảng điện tử với chi phí thấp hoặc không đồng, lại được hỗ trợ tối đa các ứng dụng nền tảng mạng xã hội trong việc cho phép sử dụng các videos, mẫu quảng cáo có sẵn, tính tương tác cao nên việc giới thiệu thông tin sản phẩm cần bán đến người tiêu dùng trên nền tảng số giờ đây rất dễ dàng. Tuy nhiên, kèm theo đó tình trạng giả mạo, sản phẩm kém chất lượng, lừa đảo…cùng với các rủi ro về bảo mật thông tin cá nhân, hợp đồng mua bán giả mạo cũng trở nên phổ biến hơn.
Để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả ngành, lĩnh vực. ngày 22/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV thông qua Luật Giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Luật này có 8 nội dung mới, cụ thể:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch điện tử giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số.
Thứ hai, luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “dấu thời gian”, “hợp đồng điện tử”, “dữ liệu số”, “dữ liệu chủ”, “môi trường điện tử”, “chứng thư điện tử”, “dịch vụ chứng thực chữ ký số”, “người trung gian”…
Thứ ba, về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, luật quy định chi cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật.
Thứ tư, về thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế. Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình.
Thứ năm, về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài….
Thứ sáu, về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Thứ bảy, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm: Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau; giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dữ liệu mở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ. Luật quy định cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu. Quy định này bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hệ thống thông tin gồm thuê tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu.
Thứ tám, về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử so với Luật Giao dịch điện tử (năm 2005), Luật đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn..
Như vậy, điểm quan trọng trong Luật Giao dịch điện tử năm 2023, đó là dữ liệu có giá trị như văn bản, có giá trị như bản gốc và có giá trị dùng làm chứng cứ, tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế. Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu là nội dung rất mới, bảo đảm giá trị pháp lý khi chuyển đổi từ bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Luật cũng đưa ra khái niệm chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử. Đồng thời, bảo đảm giá trị pháp lý cho hình thức này. Đây là bước đột phá lớn nhằm thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội, thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay./.
Tín Hòa
Bản in