Tin tức (12.10.2020 08:26)

Một số giải pháp nhằm nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông


Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đưa công tác cải cách hành chính đi vào chiều sâu, trọng tâm, hiệu quả, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; minh chứng là việc các cơ quan, đơn vị, địa phương đã và đang thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/11/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020. Với mục tiêu đưa tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh, bền vững thì vai trò của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng; do đó, xuyên suốt trong quá trình điều hành, lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đặt người dân vào vị trí trung tâm để phục vụ, đáp ứng tối đa lợi ích của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn, đồng thời, chú trọng cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là những biện pháp mà Đắk Nông đang triển khai.

Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Đắk Nông đạt 78,92%, tăng 7,89% so với năm 2018 và xếp hạng 56/63 tỉnh, thành, tăng 3 bậc so với năm 2018; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 62/63, tăng 01 bậc so với năm 2018. Dù chưa có sự đột phá mạnh, nhưng đây là tín hiệu khá tốt, tích cực khi các chỉ số đều tăng, tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên tục ban hành các văn bản lãnh đạo, điều hành về công tác cải cách hành chính để chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, các Sở, ngành, địa phương thực hiện; do đó, thái độ làm việc tích cực của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân, doanh nghiệp được nâng lên, các khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các yêu cầu của cá nhân, tổ chức được kịp thời, việc cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính được chú trọng, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và giải quyết công việc có nhiều bước đột phá, xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh là một điểm mới sáng tạo, dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế dẫn đến việc chưa đạt được các mục tiêu, kỳ vọng đã đề ra, như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương chưa có nhiều giải pháp đột phá, quyêt liệt trong công tác cải cách hành chính; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh đang mức thấp; quá trình giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh còn rườm rà, phức tạp; có sai sót về quy trình nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ; ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành chưa đồng đều…

Nhằm phát huy các kết quả đạt được, giải quyết cơ bản các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong các báo cáo, đánh giá của tỉnh trong thời gian qua; để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững thì cần thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian tới. Ngoài các nội dung đã được các cơ quan, đơn vị đã đề cập; trong phạm vi cho phép, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để nghiên cứu, vận dụng, tham khảo, như sau:

Thứ nhất, cần đánh giá, tổng kết một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học quá trình thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/11/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 – 2020. Sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, cần nghiên cứu ban hành một Nghị quyết mới để lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính cho giai đoạn tiếp theo và phù hợp với những quan điểm mới, quy định của pháp luật mới ban hành có liên quan và định hướng mới.

Thứ hai, quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn kinh phí thỏa đáng để thực hiện công tác cải cách hành chính. Trong đó, chú trọng một số lĩnh vực có thể trở thành xu hướng trong thời gian tới như: hạ tầng công nghệ thông tin; cơ sở vật chất hiện đại cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, cấp huyện, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; truyền thông về cải cách hành chính; đặt hàng một số nội dung của công tác cải cách hành chính cho đơn vị ngoài cơ quan Nhà nước.

Thứ ba, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, do đó, cấp ủy Đảng cần chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các Sở, ngành, địa phương ở các vị trí tiếp nhận, trực tiếp giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp phải có trình độ, năng lực, phẩm chất, am hiểu pháp luật và đặc biệt phải có đạo đức tốt, thực sự không tham nhũng, không vòi vĩnh, không nhũng nhiễu, không tiêu cực. Nghiên cứu việc mời các Trường, Học viện có uy tín, đủ năng lực để tổ chức bồi dưỡng về đạo đức công vụ, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận, giải quyết yêu cầu thủ tục hành chính; việc bồi dưỡng phải đi vào thực chất và được thực hiện định kỳ hàng năm.

Thứ tư, muốn nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính thì từng cấp ủy viên, lãnh đạo các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải nắm rõ nội dung, vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính; có khả năng phân tích, đánh giá, dự báo để đưa ra những quyết sách, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, địa phương trong công tác cải cách hành chính; đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trên hết. Nếu thực hiện thật tốt nhóm giải pháp này, tin rằng, công tác cải cách hành chính sẽ có chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn.

Thứ năm, chỉ đạo nghiên cứu cơ chế đặt hàng xây dựng ý tưởng, sáng kiến đột phá của công tác cải cách hành chính; trong đó, tập trung vào các vấn đề đang là điểm yếu, hạn chế của tỉnh ta hiện nay. Sáng kiến cải cách hành chính phải áp dụng được ngay, phải được kiểm chứng, đánh giá đúng mức độ hiệu quả mang lại; tránh hình thức, xa thực tiễn, khó áp dụng.

Thứ sáu, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng theo hướng thực chất hơn. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề, như: tạo sự chuyển biến về nhận thức trong toàn Đảng bộ về ý nghĩa, tác dụng của cải cách hành chính; quy chế hóa, quy trình hóa, dân chủ hóa và công khai hóa các thiết chế trong hệ thống tổ chức của Đảng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong Đảng, khắc phục những rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm mạnh hội họp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan đảng.

Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Có lẽ, vấn đề kiểm tra, giám sát, đề nghị xử lý nghiêm đối với những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân đã được chỉ đạo trong rất nhiều văn bản; tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý thiếu cơ chế, chưa thực sự nghiêm. Vì vậy, cần nghiên cứu ban hành quy định chặt chẽ về dấu hiệu, hành vi, mức xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức có thái độ, ứng xử, cách làm, thực hiện quy trình trái với quy định trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ tám, phát huy, đề cao vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia ý kiến góp ý của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc này phải làm thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và các cơ quan Nhà nước cần có sự tiếp thu nghiêm túc để điều chỉnh hoạt động cải cách hành chính cho phù hợp hơn./.

Bến Hải


Bản in


SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
5
2
2
6
9
6

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
3
Liên kết Website