Sau một năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 -2027” đã được các cấp, các ngành, đoàn thể quán triệt, triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL đã đóng vai trò tích cực vào quá trình hoạch định, xây dựng dự thảo, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật. Trong quá trình xây dựng pháp luật, một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo đẩy mạnh việc tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông định hướng, dẫn dắt dự thảo chính sách, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời, nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn bản. Qua đó, làm rõ hơn về sự cần thiết ban hành chính sách; mục đích, quan điểm xây dựng chính sách; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của chính sách; nội dung cơ bản của chính sách; nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ so với quy định hiện hành về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau; các nội dung khác cần thông tin rộng rãi đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội được nghiên cứu làm rõ là dữ liệu quan trọng trong nghiên cứu khi ban hành chính sách. Nhìn chung, các nhiệm vụ và giải pháp được các đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác xây dựng ban hành chính sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như:
- Việc truyền thông các chính sách và xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai, quản lý nhà nước tại một số đơn vị, địa phương còn ít được quan tâm, ban hành văn bản còn chậm, chưa sát với thực tế tại cơ quan, đơn vị, do vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, sự chủ động trong công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuộc lĩnh vực, ngành quản lý.
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, dự toán kinh phí hoạt động. Việc huy động thực hiện xã hội hóa công tác truyền thông các chính sách và PBGDPL cơ bản chưa được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện.
- Việc phối hợp trong công tác truyền thông các chính sách và PBGDPL ở cấp huyện, cấp xã có nơi còn thực hiện hình thức hoặc không thực hiện, thể hiện ở việc qua kiểm tra có số liệu trong báo cáo nhưng không có các tài liệu, bài, nội dung tuyên truyền cụ thể.
Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Truyền thông chính sách là nội dung mới được triển khai nên các đơn vị còn lúng túng trong việc thực hiện như: Cách thức thực hiện, nội dung triển khai, kinh phí thực hiện, cơ quan chủ trì thực hiện…Do đó, việc thực hiện nhiều khi chưa kịp thời, hiệu quả.
- Một số cơ quan, đơn vị chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm tham gia hoạt động truyền thông các chính sách; sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ.
- Việc ứng dụng các công cụ, mô hình truyền thông hiện đại chưa được chú trọng. Chưa thực sự quan tâm phân tích, dự báo về dư luận xã hội và những vấn đề người dân quan tâm để chỉ đạo, điều hành sát với tình hình thực tế môi trường bùng nổ thông tin như hiện nay…
Để thực hiện công tác này trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đối với công tác truyền thông chính sách để phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách./.
Trần Dung
Bản in