Trong thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu huyện Đắk R’lấp luôn xác định tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh (HS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng ATGT bằng hình thức phù hợp trong môn học và hoạt động ngoại khóa.
Việc tuyên truyền lồng ghép, tích hợp vào môn học các kiến thức về ATGT cho học sinh được thực hiện khá tốt. Trong đó, Giáo dục công dân là môn học có lợi thế trong việc tích hợp các kiến thức, kỹ năng để học sinh tuân thủ đúng các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Để tích hợp giáo dục ATGT trong nhà trường, trên cơ sở hướng dẫn của nhà trường, các giáo viên tự xây dựng đề cương và chọn cho mình phương pháp riêng, từ thuyết trình, đàm thoại, nêu gương, sử dụng đồ dùng trực quan đến thảo luận nhóm, động não, xử lý tình huống, đóng vai, tổ chức trò chơi…
Thầy Nguyễn Văn Trung, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Phương pháp xử lý tình huống vào giáo dục ATGT giúp học sinh đưa ra cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật về ATGT, qua đó củng cố kiến thức đã học và làm quen với kỹ năng vận dụng liên hệ vào thực tiễn đời sống. Đồng thời, học sinh sẽ quen với yêu cầu thể hiện quan điểm của mình trước các tình huống ATGT. Việc giảng dạy ATGT cho học sinh là rất cần thiết, bởi không chỉ trang bị kiến thức cơ bản về ATGT mà còn từng bước xây dựng cho các em ý thức, trách nhiệm, văn hóa, đạo đức giao thông.”
Không chỉ lồng ghép, tích hợp vào các môn học, kiến thức về ATGT còn được nhà trường và cơ quan chức năng quan tâm. Vào đầu năm học, với sự chủ động từ phía nhà trường đã mời các đồng chí trong Đội cảnh sát giao thông huyện phối hợp tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông.
Thời gian qua, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng trong việc giáo dục ATGT cho học sinh trong trường rất chặt chẽ nên tình trạng tai nạn giao thông trong học sinh rất ít khi xảy ra, nhà trường chỉ đạo không được bán hàng rong trước cổng trường nên không có hiện tượng ùn tắc khi các em ra về.
Việc bồi dưỡng, cung cấp kiến thức an toàn giao thông cho đội ngũ giáo viên nhà trường đóng vai trò rất quan trọng, tác động đến hiệu quả, kết quả giảng dạy và chất lượng giáo dục cho các em học sinh.
Nhà trường cũng đưa việc chấp hành ATGT là một trong những tiêu chí để đánh giá đạo đức của học sinh và đánh giá thi đua của nhà trường, cụ thể như việc tổ chức cho học sinh, giáo viên ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông Đường bộ và có những chế tài thích hợp trong việc đánh giá, nhận xét cuối năm về hạnh kiểm, đạo đức.
Xét cho cùng, để thực hiện có hiệu quả ATGT học đường một cách bền vững, giảm thiểu tình trạng học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông để tự giác chấp hành, tạo cho các em có thói quen, ý thức tuân thủ Luật giao thông đường bộ. Và để làm được điều này, ngoài lực lượng Công an, nhà trường thì quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình; các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của con em mình.
Nguyễn Văn Trung
Bản in