Tin tức (13.04.2023 09:01)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông


Công tác cải cách thể chế được xác định là một trong những nhóm chỉ số quan trọng nhất trong bộ chỉ số cải cách hành chính nói riêng cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước nói chung.
Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước phát triển bền vững. Cụ thể: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Điều này đã được thể hiện xuyên suốt trong  quan điểm, và đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 với nội dung “Kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng; ban hành cơ chế, chính sách của địa phương trên cơ sở nắm vững, bám sát và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt sát với thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện” và “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển”.
Đồng thời, tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng đã xác định cải cách thể chế, trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính 10 năm tới.
Tại tỉnh Đắk Nông, qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cáh hành chính giai đoạn 2016 – 2020, cơ bản đã từng bước nâng cao về nhận thức, tạo sự chuyển biến và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về công tác cải cách hành chính. Thể chế của nền hành chính từng bước được đổi mới; thủ tục hành chính được đơn giản hoá; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Tuy nhiên, bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật ban hành tuy có nhiều nhưng nội dung một số văn bản còn thiếu chiều sâu, chưa toàn diện, tính khả thi chưa cao …
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông, tại Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 04/11/2022 của Tỉnh uỷ Đắk Nông về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định 02 mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực cải cách thể chế, bao gồm:
Một là, đến năm 2025, hệ thống thể chế của tỉnh được rà soát, hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp. Trong đó, chú trọng đến các lĩnh vực như: thu hút đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Hai là, đến năm 2030, cơ bản hoàn thiện toàn diện, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thể chế của nền hành chính hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong giai đoạn mới.
Trong giai đoạn hiện nay, cần chú trọng một số giải pháp sau để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt đối với hoạt động xây dựng cải cách thể chế trong công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông thông qua việc triển khai sâu rộng, thực hiện đồng bộ, thống nhất các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 04/11/2022 của Tỉnh uỷ Đắk Nông về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 831/KH-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 04/11/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Thứ hai, thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi năm 2020); Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục đề xuất và thực hiện các giải pháp để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực và trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chủ động nắm bắt, kịp thời phản ứng chính sách đối với những vấn đề pháp lý đặt ra từ thực tiễn đời sống kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó có các giải pháp về thể chế để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ phục phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác rà soát, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cần chủ động, thường xuyên thực hiện rà soát và xử lý hoặc đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. 
Thứ năm, từng bước đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng tạo dựng các điều kiện cần thiết để người dân, doanh nghiệp chủ động tiếp cận pháp luật; chấp hành, tuân thủ, làm theo quy định pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong cuộc sống cũng như đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ sáu, tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế của tỉnh. Quan tâm, ưu tiên bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật./.


Phương Trâm
 


Bản in


SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
5
2
2
6
9
6

SỐ LƯỢT ĐANG ONLINE

0
0
0
0
0
0
3
Liên kết Website